TRIẾT LÝ GIÁO DỤC 03 GỐC RỄ : Đạo đức – Trí Tuệ – Nghị Lực

Đạo đức – Trí tuệ – Nghị lực tựa như gốc rễ của cây nhân cách sống.
Gốc rễ được nuôi dưỡng thì cây nhân cách mới phát triển bền vững và trổ ra những quả ngọt cho đời.

I/ NUÔI DƯỠNG ĐẠO ĐỨC
Đạo đức là sống vì người khác hơn là vì mình. Cho đi là cách sống luôn đem lại hạnh phúc.

Đội ngũ giáo viên và học sinh luôn hướng đến việc phục vụ, xem lợi ích của tập thể, cộng đồng, xã hội là mục đích của cuộc sống. Qua đó, nuôi dưỡng ý thức trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động:

– Biết ơn và tôn trọng.

– Phục vụ vô điều kiện.

– Trung thực tới tận cùng

Đạo đức được lồng ghép vào từng môn học, từng tiết học cho học sinh:

– Đọc và thực hiện 5 lời hứa đạo đức và 4 lời tuyên thệ đầu giờ thể dục mỗi ngày.

– Dạy tư duy nhân quả vào tiết Văn, Tiếng việt, Mỹ thuật, Khoa học – Xã hội… Đọc và vẽ tranh nhân quả.

– Dạy Trí tuệ cảm xúc qua chương trình SEL mỗi ngày trên lớp.

– Dạy đạo đức qua từng môn học: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Anh, Địa, Sử, Văn… Tổ chức tủ sách đạo đức.

– Giáo viên phân tích ý nghĩa của việc vì người khác hơn là vì mình trong từng bài học.

– Kể chuyện vĩ nhân và phân tích 03 gốc rễ Đạo đức – Trí tuệ – Nghị lực.

– Áp dụng tinh thần Nhật Bản trong hoạt động hàng ngày: Tự phục vụ, thói quen 5S, trung thực, bảo vệ thiên nhiên, làm việc nhóm.

– Thực hành sự tỉnh thức (Mindfulness): Rèn luyện thói quen tập trung và tạo sự bình an trong tâm hồn của các em.

+ Học sinh thực tập sự tỉnh thức hàng tuần (thời gian 10 phút/ngày).

+ Tiếng chuông tỉnh thức vang lên mỗi giờ một lần. Khi nghe tiếng chuông, tất cả thầy cô và học sinh đều dừng lại mọi hoạt động, thả lỏng toàn thân và ý thức hơi thở.

II/ TRAU DỒI TRÍ TUỆ
Trí tuệ là năng lực thấy được Nhân và Quả (Cause & Effect), từ đó hiểu biết điều đúng, điều sai, điều nên làm, điều không nên làm.

Áp dụng phương pháp Kiến Tạo để trau dồi Trí tuệ thông qua quan sát đa chiều, phân tích mọi khía cạnh và tự đúc kết nên bài học.

Nhà trường và gia đình cùng mục tiêu là HỌC để hiểu và áp dụng, không học vẹt, không mắc bệnh thành tích.

Trí tuệ được lồng ghép vào từng môn học, từng tiết học cho học sinh:

– Dạy Toán bằng học cụ Kiến Tạo.

– Dạy Văn bằng cách liên tưởng, tưởng tượng.

– Dạy Tiếng việt bằng ngữ âm và phân tích nghĩa.

– Dạy hội hoạ bằng phương pháp kể chuyện.

– Phát triển khả năng tự học thông qua trải nghiệm thực tế (Hè trưởng thành, Tết trưởng thành…) và học theo dự án.

– Ứng dụng bản đồ tư duy (Mindmap) giúp học sinh hệ thống lại nội dung bài học, phát triển tư duy logic, khả năng ghi nhớ tốt, chọn lọc các kiến thức cốt lõi.

III/ RÈN LUYỆN NGHỊ LỰC
Nghị lực (Dũng, Nhẫn và Tĩnh): Dũng để làm việc khó, Nhẫn để làm tới tận cùng và Tĩnh để bình tĩnh, không dao động.

Rèn luyện nghị lực ngay từ nhỏ sẽ giúp trẻ nuôi dưỡng lòng dũng cảm đối diện mọi thử thách, kiên nhẫn hoàn thành việc đúng đắn đến cùng với tâm bình tĩnh, không dao động.

Việc rèn nghị lực được lồng ghép vào mọi sinh hoạt hàng ngày, học tập và vui chơi của học sinh:
– Không chỉ học Bơi mà còn học Lặn và Cứu hộ.

– Nuôi dưỡng tinh thần võ đạo thông qua võ thuật.

– Biến những giờ vui chơi thành giờ rèn luyện thông qua các trò chơi được thiết kế theo phong cách rèn luyện quân đội.

– Các chuyến dã ngoại xa nhà: leo núi, băng rừng, đi bộ nhiều ki-lô-mét, vượt địa hình khó…

– Rèn nghị lực cho trẻ theo từng bước vượt ngưỡng: A = A + 1 hoặc phương pháp áp lực ngắn hạn (các chuyến dã ngoại xa nhà như Hè trưởng thành, Tết trưởng thành).

 

Call Now Button0834.699.699